Quan niệm “sống ở, thác về” của người Việt Nam

Quan niệm “sống ở, thác về” đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt. Hãy cùng Đúc đồng Trường Quân tìm hiểu đôi nét về quan niệm lâu đời này gắn với đạo Phật trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam gắn.

Người Việt Nam coi trọng việc phụng thờ ông bà cha mẹ nhiều đời sau khi thác cũng ngang với phụng dưỡng cha mẹ ông bà còn sống. Họ luôn bị chi phối bởi niềm tin rằng “sống ở, thác về”: cõi âm của người chết là một thế giới chuyển tiếp từ cõi sống sang. Ông bà cha mẹ lìa đời thì trở về với tổ tiên họ tộc ở cõi âm, và dù có chết đi, vẫn quanh quẩn cùng con cháu. Từ đó mà có giỗ chạp, như một dịp để con cháu tưởng nhớ, làm những món ăn ngày xưa ông bà cha mẹ thích để dâng cúng. Ngày Tết, người ta tin ông bà cũng từ cõi âm về ăn Tết cùng con cháu, sáng pha trà tối dâng cơm như khi ông bà cha mẹ còn ở đời.

Phật giáo là một tôn giáo đã kết hợp với văn hóa Việt Nam qua quá trình lâu dài, biến chuyển và tạo nên những hình thái rất tốt đẹp, một trong số đó là cách thể hiện hiếu đạo. Đức Phật từng dạy rằng “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”. Người Việt tin theo Phật và trong thực tế, sau khi cha mẹ qua đời, người Việt làm tang ma linh đình, lễ nghi phức tạp, xây dựng mồ mả đẹp đẽ chính là cách họ thể hiện niềm tin của mình.

Dưới đời Lý-Trần, khi Phật giáo thịnh hành, lệ hỏa táng rất thông dụng. Từ đời Lê trở về sau, khi Nho giáo chiếm vị trí chủ đạo, người Việt không còn chấp nhận chuyện thiêu đốt thân xác sau khi qua đời nữa. Việc xây lăng mộ kiên cố, to lớn cũng xuất phát từ đây. Nương theo thời thế, Phật giáo dần coi nghi lễ là một phương tiện báo hiếu, lồng ghép sự cầu nguyện vào bên trong và tùy theo khả năng mà người đời dốc tận lực để thực hiện những nghi lễ đó nhằm báo hiếu tổ tiên, phụ mẫu.

Có phải người Việt luôn tin chết không phải là hết?

Phần lớn thế hệ cha ông ngày xưa, đa số không đặt nặng quan điểm về Đức Phật, Chúa, hay vị Thánh nào cả. Mỗi khi con cái đau ốm, việc họ làm là đốt hương khấn ông nội, ông cố hay bà cô nào đó… phù hộ. Họ coi những bậc tổ tiên sau khi quá vãng của mình như những vị thần, bởi chỉ thần thánh mới có quyền hạn thay đổi những gì liên quan tới sự sống ở dương gian. Người Việt tin rằng tổ tiên của mình có quyền hạn đối với con cháu, có thể phù hộ cho con cháu làm ăn may mắn, sức khỏe dồi dào,…

Trong văn hóa Phật giáo Việt Nam, cái chết và sự ứng xử với người quá cố cũng là một điều rất được chú trọng?

Người Phật tử học Phật sẽ thấy nghiệp chi phối mọi sự thay đổi của đời sống, chấm dứt được nghiệp thì cũng thoát ra được vòng lẩn quẩn của đời sống. Chết rồi thì phải chuyển kiếp, theo nghiệp lực mà tái sinh. Nghiệp lực như một sức đẩy con người vào cõi khác tốt hơn hoặc xấu hơn, tùy mỗi người, không hề có sự thưởng phạt nào. Thế nhưng dù có là Phật tử, nghe giảng luân hồi, tái sinh, học về giáo lý của Phật, nhưng trong tiềm thức truyền từ đời này sang đời khác, người Việt vẫn bám víu vào niềm tin dân gian rằng mình luôn có ông bà cha mẹ ở bên, không mất đi bao giờ.

Cũng bởi không ai muốn niềm tin đó đứt đoạn, nên việc thờ cúng tổ tiên, giữ gìn mồ mả với văn hóa Việt Nam rất được coi trọng. Người Việt có thể cả đời không đi chùa, thờ Phật, nhưng khi cha mẹ qua đời, họ vẫn thỉnh nhà sư đến tụng kinh, cầu siêu độ, đó chính là cầu nối đem đạo Phật vào đời. Vấn vương suy nghĩ muốn báo hiếu, rất nhiều người chọn việc gửi di cốt ông bà cha mẹ vào chùa vì tin rằng ở đó, ông bà cha mẹ sẽ tiếp tục được gần gũi Phật pháp, nghe kinh kệ.

Chính vì vậy, vừa qua, khi những sự việc đáng tiếc liên quan tới di cốt được gửi trong chùa xảy ra, chúng ta đừng chối cãi rằng Phật giáo không tán đồng với tín ngưỡng thờ linh thờ cốt hay đó không thuộc về giáo lý của Phật. Như đã nói, đây là niềm tin riêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Người xưa cũng tin mồ mả, di hài, di cốt của tổ tiên là điều rất hệ trọng, tác động ngược lại với những người đang sống, “Không mả đố ả làm nên”. Nếu đi ngược lại với văn hóa dân tộc, Phật giáo sẽ mất đi chân đứng của mình trong nhân dân. Sở dĩ Phật giáo có được quần chúng đông đảo như ngày hôm nay, đó là bởi Phật giáo đã khéo léo dung hợp những niềm tin như vậy để tạo ra sự liên hệ mật thiết giữa chùa chiền, sư sãi với nhân dân.

Sưu tầm.