Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống đẹp và có vị trí vô cùng thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tục lệ thờ cúng những người đã khuất, để tri ân, tưởng nhớ. Đối với người Việt, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gần như là một thứ tôn giáo. Vậy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là gì? Nghi thức, phong tục thờ cúng như thế nào? Hãy cùng Đúc đồng Trường Quân tìm hiểu bài viết dưới đây.
1. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên chính là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống cho con cháu – những người thuộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc từ nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ quyền xưa. Khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam, chữ hiếu được đề cao, đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có nội dung bình dị và giàu tính thực tiễn, trở thành nếp sống, phong tục, bám rễ sâu trong tiềm thức của mỗi người. Bằng việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau không chỉ vì trách nhiệm đối với các bậc sinh thành mà còn để giáo dục dạy dỗ con cháu lưu truyền nòi giống. Có thể nói, thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng dân gian của dân tộc mang đạo lý nhân ái “uống nước nhớ nguồn”.
2. Nghi thức thờ cúng tổ tiên
Việc thờ cúng tổ tiên tại gia đình thường được tiến hành quanh năm, người xưa quan niệm dù đã khuất nhưng linh hồn tổ tiên vẫn luôn ở bên cạnh con cháu, phù hộ, giúp đỡ con cháu những lúc hoạn nạn. Không chỉ cúng lễ trong các dịp quan trọng như giỗ chạp, tang hiếu,cưới xin… hay những dịp lễ quan trọng như Tết Nguyên đán, Thanh minh, Hàn thực, Đoan ngọ…, ngày mùng 1 đầu tháng, ngày rằm mà các vị tổ tiên còn được con cháu thắp hương hàng ngày để báo cáo mọi chuyện vui buồn: sinh nở, ốm đau, thi cử, đỗ đạt, kiện cáo, bất hòa, dựng vợ gả chồng… Có thể nói trong tâm thức những người sống tổ tiên là bất tử. Người Việt dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.
Đồ lễ trên bàn thờ cũng không quy định chặt chẽ lắm, tùy tâm con cháu nhưng phải là những thứ thanh khiết và được dành riêng. Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt ở trên cao, tại nơi trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà tầng). Trên bàn thờ bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố. Trên bàn thờ bao giờ cũng có nước, hương và nến, đồ lễ cúng thì tùy vào các dịp khác nhau như giỗ chạp, cưới hỏi, tang hiếu… hay các ngày lễ Tết trong năm.
Tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người Việt Nam, là một trong những nhân tố góp phần quan trọng để bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống. Trong thờ cúng, ngoài việc chú ý đến lễ tiết, lễ vật thì càng phải chú trọng hơn cả đến hương khói. Hương khói tạo nên không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình. Ẩn sâu trong mỗi nén hương được thắp lên là tâm tư, nguyện vọng của con người, với mong muốn đưa những tâm nguyện đó đến với tổ tiên và các vị thần linh.
Sưu tầm.